Luật Trẻ em năm 2016 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 05 tháng 4 năm 2016 và có hiệu lực pháp luật từ ngày 01 tháng 6 năm 2017 với 7 chương, 106 điều với các nội dung cơ bản như sau:

* Thứ nhất, về tên gọi

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đổi thành Luật Trẻ em để phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật. Tên gọi mới này vừa ngắn gọn vừa phản ảnh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi điều chỉnh của luật về đối tượng đặc thù là trẻ em. Đối tượng áp dụng của luật được mở rộng, không chỉ trẻ em là công dân Việt Nam mà còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.

* Thứ hai, về khái niệm, nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em và những hành vi bị nghiêm cấm

Luật Trẻ em năm 2016quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi” nghĩa là không giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam, mà đối tượng áp dụng của Luật còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại việt Nam.

Luật quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có bổ sung các nhóm mới như: trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Luật cũng quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực. Tháng hành động vì trẻ em vào tháng 6 hằng năm và Quỹ Bảo trợ Trẻ em cũng được quy định trong Luật để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và vận động nguồn lực cho trẻ em. Bên cạnh đó, luật còn quy định cụ thể và bổ sung về các hành vi bị nghiêm cấm như tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm,…

* Thứ ba, về các quyền và bổn phận của trẻ em

Luật Trẻ em năm 2016 quy định 25 nhóm quyền của trẻ em như quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạn; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn…

Các bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, đất nước và chính bản thân các em được Luật quy định cụ thể phù hợp với chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp năm 2013, Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

* Thứ tư, quy định về bảo đảm thực hiện chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em

Luật quy định tổng quát về chính sách của nhà nước để bảo đảm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo đảm điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch và thông tin, truyền thông cho trẻ em. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng, thực hiện các chính sách về quyền trẻ em trong thực tế.

Về bảo vệ trẻ em,Luật quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp được quy định cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Quy định cụ thể trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Quy định về chăm sóc thay thế nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ để vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

* Thứ năm, quy định vềsự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em

Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật quy định nội dung, phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và biện pháp bảo đảm trong gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong cộng đồng.

Để cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi và hiệu quả, Luật Trẻ em quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

* Thứ sáu, quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em

Luật Trẻ em năm 2016 quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đặc biệt quy định trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục.

Công tác trẻ em liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, do đó Luật quy định về Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa các hoạt động nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực hiện quyền trẻ em giữa các cơ quan ở Trung ương, các tổ chức, các địa phương.

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước .Bảo vệ và chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội vì trẻ em của hôm nay là thế giới của ngày mai. Luật Trẻ em năm 2016 ra đời thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay của đất nước. Góp phần thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và tạo khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH XÃ THUẬN LỘC
    Bản đồ xã Thuận Lộc
     Liên kết website
    Thống kê: 243.325
    Online: 27