Đình Giao Tác thuộc làng Giao Tác (trước đây gọi là Nhà Dào), xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, đến năm 1946 thuộc huyện Can Lộc, nay là thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

          Trong lịch sử tồn tại và phát triển, Giao Tác là làng văn hiến với rất nhiều dòng họ có người học hành đỗ đạt, khoa cử. Theo tài liệu chép tay và một số gia phả của các dòng họ thì làng Giao Tác có từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ XV). Về di tích lịch sử văn hóa, xã Thuận Lộc có đền Long Mạch, Đền Giao Tác, Phúc Hải, Phúc Hội, chùa Cổ Lộng, chùa Thượng Hùng... và nhiều nhà thờ của các danh nhân, nhân vật lịch sử. Đặc biệt, đình Giao Tác là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư và nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng trong vùng.

          Đình Giao Tác xưa là một công trình thể hiện sự đoàn kết, cầm cù, sáng tạo trong lao động do nhân dân, góp công, góp của xây dựng. “...Đình được dựng từ xưa, đến năm Tự Đức 28 (1875), cụ Chánh Do, cùng các bậc Kỳ lão, Kỳ hào, hương hào cùng tráng đinh, kẻ ít người nhiều thành tâm cúng góp làm lại quy mô, chạm trổ tinh xảo và lợp bằng ngói âm dương...”

    Trước đây, “...Đình được xây dựng trên một khu đất cao, rộng gọi là nhà Sảng, sát bờ lũy có nhiều cây cổ thụ rậm rạp. Đình do hai tổ hai hiệp thợ nổi tiếng thi công. Hiệp thợ Thái Yên do ông Cửu Tiếp làm chủ; hiệp thợ làng Mật do cố Quyền Tịch làm chủ. Đình theo kiểu nhà rường. Mỗi hiệp thợ làm 2 vì, gian giữa thì một hiệp làm phía trước, một hiệp làm phía sau. Chỗ làm của hai hiệp ở cách xa nhau hai xóm nhưng khi đâu lại, dựng lên mộng mạy đều khít rịt, chạm trổ đều ăn khớp với nhau. Lúc chấm thi, làng thấy hiệp thợ Thái Yên sắc sảo hơn, nhưng có người bắt bẻ về bức chạm trổ “Vinh quy bái tổ” mà cánh cửa đình không mở. Làng đành phải xử hòa thưởng cho hai hiệp thợ ngang nhau"

           Hiện nay, đình Giao Tác được phân bố trên một khu đất rộng với diện tích 1189,90m2 ,ngoảnh mặt về hướng Tây bắc. Phía trước mặt là một dãy cây lộc vừng và đồng ruộng mênh mông. Xung quang làng mạc yên bình. Hệ thống cổng và tường rào bao quanh được xây bằng gạch, xi măng, trang trí đơn giản. Cổng đình được tạo bởi 2 trụ chính có chiều cao là 6,20m, cách nhau 7,10m, hai cổng phụ mỗi bên rộng 2,30m. Từ cổng vào qua một khoảng sân rộng được lát bằng gạch đỏ. Đình được xây dựng trên một nền cao 1,20m so với mặt sân, có mặt bằng bố cục kiểu chữ nhất. Mặt trước có hệ thống cửa che chắn suốt dọc ba gian, hai mặt bên cũng được bít ván gỗ, mặt sau xây tường gạch. Bậc thêm lên xuống được làm thành năm bậc cấp lát đá Thanh. Từ phía ngoài có thể thấy bộ mái đình rất rộng, lợp ngói mũi hài. Trên bờ nóc đắp hình lưỡng long, hổ phù, 4 góc mái trang trí hình đầu đao uốn cong trang trí hình mây lửa cách điệu tạo nét mềm mại cho đình.

          Mặt bằng đình khá rộng (10,22m x8,66m) được phân thành 3 gian, 4 vì gỗ lim gồm 16 cột khá to và chắc khỏe. Các bộ vì được cấu tạo theo kiểu giá chiêng chồng rường, hệ thống kẻ chuyền kiểu cánh cung. Mỗi vì 4 cột, 2 cột cái cao 3,60m, đường kính 0,23m, 2 cột con cao 2.74m, đường kính 0,21m, đá tảng kê chân cột bằng đá Thanh, mỗi chiều rộng 0,50m. Hai đường hạ của hai vì giữa có kích thước dày 0,30m, hai đường hạ của hai vì đốc có kích thước dày 0,25m. Cấu trúc bước gian nhà đình: 4 vì chia thành 3 gian và hai hồi hiên để hành lang rộng. Gian giữa rộng: 3,41m; 2 gian bên rộng 2,40m. Hành lang 1,00m. Trên các đường xà, đường hạ, các hệ thống kẻ chuyền đều được chạm trổ hình tượng tứ linh. Về kết cấu vì kèo, gian giữa nối từ đỉnh thượng lương đến xà dọc thượng ở giữa là con kê tiện hình cột trụ đấu vuông thót đáy. Từ thượng lương nối liền với xà dọc thượng 2 bên là 2 con đấu tiện hình xe chỉ đỡ lấy mặt dưới của đường cầu phong và xà dọc thượng, cột đấu chạm hình mang lúa. Mặt trước thuồng luồng chạm lòng hình con dơi vươn ra phía trước. Hệ thống xà thượng chạm hình 2 con hạc đối xướng. Từ xà thượng nối liền với xà hạ hệ thống ván thưng không trang trí. Mặt trước gian giữa ngôi đình, các nghệ nhân đã tận dụng khoảng trống nối liền giữa xà dọc thượng và xà dọc hạ bằng hệ thống ván mê ở mỗi ô vuông gồm 4 chữ hán được những người thợ tài hoa dùng các mảnh sành sứ cổ ghép vào trong gỗ được dịch là: “Hách trạch anh linh”. Mỗi ô vuông xung quanh được viền các hoạ tiết dây leo cách điệu, ở mỗi ô chữ là một bức họa, tranh sinh động. Mặt trước xà dọc hạ được chạm lộng họa tiết trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Ở mỗi đường nét  kiến trúc  trên hệ thống xà nách nối với đòn kẻ liền giữa cũng được tạo bởi hệ thống ván thưng lấp khoảng trống giữa xà nách và đòn kẻ, ván mè, ván thượng, đuôi kẻ đâu ta cũng bắt gặp những đường nét điêu khắc gỗ điển hình các họa tiết trang trí như rồng chầu mặt nguyệt, hình người, phong cảnh, chim muông, thú như rùa, hươu, cảnh hoa lá, mây lửa tạo nên một bức tranh sinh động muôn màu sắc không gian ở thôn quê.

    Theo một số nguồn tư liệu còn lưu giữ tại địa phương và lịch sử Đảng bộ xã Thuận Lộc, đình Giao Tác là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Từ năm 1926 đến năm 1929, đình Giao Tác là nơi thành lập và hoạt động của các tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Thuận Lộc do các đồng chí Nguyễn Huy Lung, Phan Sỹ Duy, Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Hoạch là những sinh viên trường Pháp - Việt Hà Tĩnh làm lực lượng nòng cốt.

           Trong suốt từ những năm 1929 đến năm 1931, đình là nơi cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa chọn là địa điểm tổ chức các cuộc họp bí mật, một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa “...Chi bộ Nguyệt Ao được thành lập vào ngày 20 tháng 3 năm 1930 tại đình Giao Tác nên còn gọi là Chi bộ Giao, đồng chí Phan Sỹ Duy được cử làm Bí thư Chi bộ. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại xã Thuận Lộc”.  Tiền thân của Đảng bộ xã Thuận Lộc. Từ đây, các làng của xã Thuận Lộc có một tổ chức Đảng. Sau khi thành lập, Chi bộ đã phân công các đồng chí đảng viên bí mật đến từng nhà dân vận động xây dựng hoặc củng cố hoạt động của những hội quần chúng, đặc biệt là công tác phát triển Đảng, xây dựng chi bộ, tổ chức đoàn thể quần chúng được triển khai nhanh chóng ở các làng, tổng...

            Trong thời kỳ Xô viết Nghệ -Tĩnh 1930 - 1931, đình Giao Tác là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh biểu tình, điển hình như cuộc biểu tình đưa yêu sách đòi giảm sưu thuế tại huyện Can Lộc vào ngày 15 tháng 7 năm 1930. Cuộc biểu tình đêm ngày 16 tháng 10 năm 1930, đây là cuộc biểu tình lớn của toàn tổng Lai Thạch, những người tổ chức biểu tình đã diễn thuyết hô hào nhân dân đứng dậy làm cách mạng. Đoàn biểu tình sau đó tuần hành thị uy và hô vang khẩu hiệu giảm tô, giảm tức và bãi bõ sưu thuế. Tại cuộc biểu tình ngày 11 tháng 12 năm 1930, nhân dân trong làng tập trung tại đình kéo về chợ Tổng làm lễ truy điệu đồng chí Như và đồng chí Thiên bị lính Tây bắn chết. Cuộc biểu tình vào tháng 1, tháng 4, tháng 5 năm 1931 để phản đối địch đốt phá nhà dân, khủng bố anh chị em tự vệ đỏ và trấn áp bọn cường hào địa chủ trong xã. Ngoài các cuộc biểu tình, nhân dân trong xã còn tổ chức các cuộc mít tinh lớn. Đó là các cuộc mít tinh đấu tranh hạ uy thế cường hào địa chủ; đấu tranh lấy ruộng đất công điền chia cho nhân dân; trừng trị bọn phản động làm tay sai cho địch, lấy lúa nhà giàu cấp cho tự vệ và lập quỹ cứu tế, chống địch trấn áp, truy lùng cán bộ, đấu tranh không nạp thuế cho địa chủ ...

          Năm 1931, khi phong trào Xô Viết bước vào giai đoạn thoái trào. Đình lại thành nơi chứng kiến những cảnh bắt bớ, tra tấn, đánh đập các đồng chí chiến sĩ cách mạng ở xã Thuận Lộc. “Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy”. Đến năm 1945, cách mạng thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, cũng chính dưới mái đình này, chính quyền xã được thành lập, là nơi diễn ra các cuộc mít tinh lớn ủng hộ chính phủ kháng chiến, ủng hộ chính quyền cách mạng, là nơi phát lệnh và chỉ huy đoàn tuần hành của quần chúng nhân dân kéo về chợ Tổng tước triện cai xã, giành chính quyền về tay nhân dân. Đình trở thành trụ sở hành chính đầu tiên của xã. Năm 1954, trước phong trào hợp tự các đình, chùa, miếu mạo thì đình Giao Tác vẫn được giữ nguyên. Nhưng đến năm 1963, đình được dùng làm nơi sinh hoạt của hợp tác xã Đồng Tiến. Đến năm 1973, đình được chuyển về trụ sở UBND xã để làm nhà truyền thống. Năm 1912, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ xã Thuận Lộc ra nghị quyết về việc trùng tu tôn tạo đình và chuyển về chỗ cũ. Hiện nay, đình là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa của các xã và tổ chức đoàn thanh, thiếu niên, phụ nữ, hội người cao tuổi.

    Đình Giao tác là di tích lịch sử - văn hóa tín ngưỡng của làng Giao Tác và người dân địa phương xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở đây chủ yếu tập trung vào các kỳ: tế tự thần, ngày khai hạ, kỳ phúc, cầu yên...có sự tham gia của các chức sắc trong làng và đông đảo người dân gần xa tụ hội về đình tổ chức cúng tế khá trang nghiêm. Là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử: Năm 1930 là nơi thành lập Chi bộ Giao, tiền thân của Đảng bộ xã Thuận Lộc ngày nay, cũng là nơi thành lập chính quyền Xô Viết cách mạng.

    Đây là nơi tập hợp các tầng lớp đông của nhân dân để tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, diễn thuyết truyền đạt các chủ trương chính sách của Đảng và chính quyền cách mạng trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng Tháng Tám năm1945 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tại di tích được phục hồi. Các ngày lễ xuân, thu nhị kỳ được tổ chức khá long trọng tại đình nhằm tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân của đất nước và trong các dòng tộc ở làng đã có công trong lịch sử dân tộc Việt Nam./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH XÃ THUẬN LỘC
    Bản đồ xã Thuận Lộc
     Liên kết website
    Thống kê: 497.809
    Online: 49