Đền Phúc Hội nằm ở thôn Tân Hòa, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một trong những ngôi đền thiêng của làng Phúc Hội xưa kia, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chính của nhân dân trọng vùng.

     Đền Phúc Hội gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Phúc Hội. Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, Đền được nhân dân xây dựng từ thời Hậu Lê để thờ các thiên thần, nhiên thần và nhân thần, như: Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang, Sát Hải Đại Vương, Tô Đại Liêu, Song Đồng Ngọc Nữ,...Đó là những vị thần gắn liền với cuộc sống của nhân dân cũng như những nhân vật lịch sử, những người được tôn vinh, kính trọng và đã được thần thánh hóa trở thành vị thành hoàng làng linh thiêng trong tiềm thức nhân dân.

    Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê, trải qua 4 lần di chuyển, sự biến thiên của thời gian, chiến tranh tàn phá cũng như chính sách hợp tự, Đền đã bị phế tích hoàn toàn. Đến năm 2016, Đền được phục dựng trên lại trên khu đất có diện tích 4834,5m2, nằm ở giữa cánh đồng làng Phúc Hội xưa, ba mặt đền nhìn ra cánh đồng lớn, là vùng đất trũng, mặt bên là làng mạc, bao gồm các hạng mục: Cổng, tắc môn, hạ điện và thượng điện. Bố cục mặt bằng nằm cân đối giữa khuôn viên, hài hòa với cảnh quan tổng thể và mang dấu ấn kiến trúc truyền thống. Năm 2018, Đền đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
    Hiện nay, trong Đền còn lưu giữ một số câu đối, bài vị, sắc phong quý hiếm, góp phần tô thêm truyền thống của địa phương, như: 11 sắc phong vào thời vua Thành Thái, gồm:
1. Vị thần: Long vương Nhất lang, sắc vua Thành Thái năm thứ 6 (1895).
2. Vị thần: Long vương Nhị lang, sắc vua Thành Thái năm thứ 6 (1895).
3. Vị thần: Long vương Tam lang, sắc vua Thành Thái năm thứ 6 (1895).
4. Vị thần: Sát Hải Đại Vương, sắc vua Thành Thái năm thứ 10 (1898).
5. Vị thần: Tô Đại Liêu, vua Thành Thái năm thứ 10 (1898).
6. Vị thần: Song Đồng Ngọc nữ, vua Thành Thái năm thứ 10 (1898).
Qua hệ thống sắc phong được phong trên cho thấy sự đa dạng trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân nơi đây, trong đó có sự đan xen dung hợp giữa các loại hình tín ngưỡng thờ thiên thần, nhiên thần và nhân thần. Đó còn là sự thể hiện minh chứng cho giá trị của đền làng Phúc Hội mà nhân dân đã giữ gìn được qua bao thời gian, năm tháng.
Về sinh hoạt tín ngưỡng: Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, hàng năm nhân dân trong vùng tổ chức lễ tế một cách tôn nghiêm trọng thể. Lễ hội còn được làng tổ chức các trò vui dân gian và hát Ví giặm, hát đối đáp với nhau. Sinh hoạt tín ngưỡng tại Đền biểu hiện nếp sống văn hóa lành mạnh, không có hiện tượng mê tín dị đoan như bói toán, cầu đồng, cầu bóng hoặc cờ bạc mất trật tự trị an. Sau Cách mạng tháng Tám, chủ trương hợp tự các đền, miếu trong vùng nên việc tế tự, thờ cúng và các lễ hội truyền thống đã bị mai một theo thời gian. Tuy vậy, lễ hội truyền thống của đền Phúc Hội vẫn có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tâm linh của dân làng và với lớp người cao niên thì lễ hội đền Phúc Hội vẫn để lại dấu ấn sâu sắc.
    Hiện nay, chính quyền địa phương cùng với bà con nhân dân đang từng bước khôi phục các lễ hội nhằm tái tạo lại nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa ở địa phương./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH XÃ THUẬN LỘC
    Bản đồ xã Thuận Lộc
     Liên kết website
    Thống kê: 535.194
    Online: 28