Đình làng Giao Tác tọa lạc tại thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh. Đình được xây dựng năm 1875; trải qua gần hai thế kỷ tồn tại, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nhất là bị chiến tranh tàn phá, di chuyển vị trí nhiều lần nhưng Đình Giao vẫn giữ được nét riêng ban đầu.

* Về lịch sử ra đời

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, vào năm Tự Đức thứ 28 (1875), làng Giao Tác có cụ Chánh Do giàu có, hào hoa, ông đã rước thợ giỏi về cất cho mình một ngôi nhà có chạm trổ "rồng chầu phượng múa" đẹp vào bậc nhất. Tiếng lành đồn xa, Nhân dân, bạn hữu, chức sắc gần xa đến tham quan, chúc mừng và không ngớt lời ca tụng nhưng sau đó một thời gian thì gia đình ông gặp phải một số chuyện không vui, dân làng đồn răng ông bị "bề trên" quở trách. Để được yên ổn, ông đã vận động tập hợp hào cựu, chức sắc, phú ông trong làng lên tận Ngàn Phố, Ngàn Sâu mua gỗ lim về cất một ngôi nhà thật đẹp gấp mấy lần nhà mình, trước là để cúng cho làng làm Đình, sau là để tạ lỗi với "bề trên", kinh phí xây dựng do gia đình ông đóng góp phần chính. Ông đã mời được 2 tổ thợ tài Làng Mật và Thái Yên về chế tác và cùng thi thố tài năng chạm trỗ của 2 làng. Trong quá trình chạm trỗ 2 đội không được làm việc cùng nhau, không được xem quá trình chế tác, chạm trổ của đối phương. Nhưng thật kỳ diệu thay, sau gần 2 năm chạm trổ, hai nửa ngôi Đình được ghép lại với nhau, rất khớp và giống nhau như hệt.

Ông và nhân dân làng Giao đã xem xét địa thế mãnh đất để đặt Đình làng và đã chọn vùng đất cao gọi là Nhà Sảng, phía trước là dãy ruộng mạ, phía sau là ruộng bàu, sau này người ta gọi là ruộng Đình. Phía Tây Bắc là dãy ao làng gọi là Ao Phe. Nơi đây được coi là "long hồi thủy tụ" để dựng Đình, nay là thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc. Sau khi dựng Đình, ông huy động dân làng đắp một con đường cao từ đền Long Mạch thuộc Thôn Thuận Trung ngày nay đến múi Nương Đông gọi là đường Lũy, nay thuộc thôn Thuận Giang. Phía Tây đường, trồng cây lộc vừng chắn gió và lũ lụt để bảo vệ đường và nhà dân. Đến nay hàng cây cổ thụ lộc vừng trải dài vẫn được Nhân dân bảo tồn, giữ vững nguyên vẹn. Ông còn đề ra hương ước cấm trâu, bò đi lại trên dọc đường lũy. Nếu ai vi phạm sẽ bị làng bắt trâu về làm thịt. Để làm gương cho làng, ông cho kẻ ở nhà mình cưỡi một con trâu đực to nhất chuồng đi đi lại lại trên đường lũy, bố trí mỏ rao trong làng: "Nhà cụ Chánh vi phạm hương ước, cho trâu đi đi trên đường lũy!", ngay lập tức ông cho phu đoàn dắt trâu về sân Đình mổ thịt cho dân làng. Từ đó hương ước của làng được dân làng tán thưởng, tôn trọng và thực hiện triệt để.

* Giá trị lịch sử - văn hóa cách mạng của ngôi Đình:

Kết cấu của Đình làng được thiết kế theo kiểu nhà rường, bốn vì tứ trụ 3 gian, 2 đầu bát vận, 4 phía có 12 cái kẻ được chạm trổ họa tiết hoa văn "long ly quy phượng", quan văn, quan võ: "Quan văn, quan võ, chú hề Con phượng thì múa, con nghê thì chầu".

Tại Đình hàng năm diễn ra 2 lượt tế thần vào tháng 2 và tháng 6 âm lịch. Khi tế phải lập một đàn tế có mâm cỗ để giữa sân, sân Đình đủ rộng để kiệu rước, các đội tế rước thần từ đền về bằng kiệu rước, trên kiệu có lọng, đàn có tán che. Sau khi mâm cỗ và đồ vật tế lễ tế xong được bưng vào Đình, phần để chia gọi là phần làng , một phần để cho các vị chức sắc và các bậc cao niên hưởng lộc.

Theo tín ngưỡng, Đình còn là chỗ cho các cô hồn không nơi hương khói tá túc. Nên phần cháo gạo muối khi tế lễ xong rung đàn cho đổ tứ tung để mời các cô hồn.

Đình còn là nơi các vị chức sắc, hương hào, lý cựu hội họp bàn việc làng. Nơi đây dưới thời Pháp thuộc, thực dân phong kiến đã đề ra bao chủ trương hà khắc, vô lý làm cho Nhân dân biết bao lầm than, khổ cực.

"Năm 1930, trống Xô viết Nghệ Tĩnh vang động

Bắc, Trung, Nam tràn sóng đấu tranh"

Dưới mái đình này đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, chống sưu cao, thuế nặng, chống đánh đập.

Một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa là ngày 20 tháng 02 năm 1930 Chi bộ Đảng làng Giao Tác (Chi bộ Giao) , tiền thân của Đảng bộ xã Thuận Lộc được thành lập dưới mái đình này và sau đó nhiều tổ chức khác như: Tự vệ đỏ, nông hội đỏ, phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc cũng được ra đời tại đây. Đặc biệt, tại ngôi đình này đã đón nhận nhiều cán bộ của cấp trên về chỉ đạo và phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng. Chuyện kể rằng, khi có cán bộ cấp trên về diễn thuyết, để đảm bảo an toàn và bí mật cho Thượng cấp, tự vệ đỏ vòng ngoài bảo vệ nghiêm ngặt. Khi đồng chí cán bộ nói chuyện, có 2 đồng chí tự vệ có vũ trang đứng 2 bên, khi nói chuyện xong, tự vệ yêu cầu mọi người cúi xuống, chờ tự vệ đưa đồng chí cán bộ ra ngoài khỏi địa bàn mọi người mới được ngồi dậy.

Năm 1931, khi phong trào Xô viết bước vào giai đoạn thoái trào, Đình lại trở thành nơi bắt bớ, tra tấn, đánh đập các đồng chí của ta "sân đình máu chảy, đường Thôn lính đầy" . Đến năm 1945 cách mạng tháng 8 thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, cũng chính dưới mái đình này, chính quyền cách mạng xã được thành lập, là nơi diễn ra cuộc mít tinh lớn ủng hộ chính phủ kháng chiến, ủng hộ chính quyền cách mạng, là nơi phát lệnh và chỉ huy đoàn tuần hành của quần chúng Nhân dân kéo về chợ Tổng tước triện cai xạ, giành chính quyền về tay Nhân dân. Đình trở thành trụ sở hành chính đầu tiên của xã. Nơi đây đã đón nhận biết bao chỉ thị, Nghị quyết và sự lãnh đạo của Đảng và cũng là nơi tổ chức đưa tiễn biết bao thanh niên Thuận Lộc lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp.

Năm 1954, diễn ra cuộc cách mạng lớn về cải cách ruộng đất, đền chùa được dỡ về làm trường học, đình vẫn được giữ nguyên nhưng việc tế lễ được chấm dứt. Từ đây, ngôi đình đã bị xâm hại bởi một số người ngộ nhận về chủ nghĩa vô thần nên đã bẻ gãy những họa tiết, hoa văn chạm trổ tinh xảo của đình về làm đồ chơi cho trẻ con, vật dụng trong nhà. Sau đó những gia đình này có biến cố xảy ra liên miên nên đã đem trả những vật lấy từ Đình mang về nhà nhưng tiếc thay nó đã không còn nguyên vẹn những hoa văn, họa tiết và bị lưu lạc khắp nơi.

Năm 1960, Hợp tác xã nông nghiệp Đại Đồng gồm 3 xóm Trung, Giang, Sơn được thành lập. Nhân dân đã đưa Đình về dựng trên vùng đất công có cây đa Đại hoàng để làm nhà hội quán.

Năm 1973, một lần nữa ngôi Đình được chuyển đến trụ sở UBND xã làm nhà lưu niệm Bác Hồ và nhà truyền thống, người dân Thuận Lộc quen gọi là "Nhà thờ Bác". Trong nhà lưu niệm có một tấm bia, trên có tượng Bác và câu đối viết bằng sơn đỏ:

"Dựng nước công Bác so tày biển cả

Với dân ơn người sánh tựa trời cao"

Đến năm 1989, khi hội trường lớn của UBND xã được xây dựng nên Đình được chuyển về một vị trí mới trong khuôn viên, do thời gian dài không được trùng tu, tôn tạo lại nên Đình đã có nhiều hư hỏng.

Năm 2012, theo nguyện vọng của Nhân dân, Cấp ủy, chính quyền xã Thuận Lộc đã cho trùng tu tôn tạo lại Đình Giao Tác. Năm 2014 ngôi Đình đã được trùng tu tôn tạo và đặt về vị trí cũ tại thôn Thuận Giang - xã Thuận Lộc. Năm 2018, Đình Giao Tác được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đây là công trình lịch sử văn hóa, cách mạng có ý nghĩa, góp phần giữ gìn giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, phát huy truyền thống anh hùng của xã Thuận Lộc như nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân nơi đây./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH XÃ THUẬN LỘC
    Bản đồ xã Thuận Lộc
     Liên kết website
    Thống kê: 567.882
    Online: 38