Sáng ngày 30/10 (tức ngày 6/10 năm Nhâm Dần), UBND thị xã Hồng Lĩnh tổ chức khai hội Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười năm 2022.

Tham dự khai mạc lễ hội có đại diện lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Đặng Thanh Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ nhiệm thường trực UBKT Tỉnh uỷ; đồng chí Hoàng Văn Quảng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương và đại diện một số sở, ban, ngành cấp Tỉnh.

Về phía Thị xã có các đồng chí: Lê Thành Đông, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Thị uỷ; Nguyễn Huy Hùng - Chủ tịch UBND thị xã cùng các đồng chí trong BTV Thị ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ và các ban ngành, đoàn thể cấp thị; các phường xã cùng đông đảo nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan và du khách thập phương.

Lễ hội Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười, năm 2022 được tổ chức gắn với nhiều hoạt động văn hóa dân gian hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương tham gia.

Chương trình văn nghệ chào mừng

Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười hay còn gọi là Đền Mỏ Hạc Linh Từ, theo tư liệu lịch sử và tư liệu truyền ngôn thì được các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ "Nhất"; bao gồm: Hậu cung (hay còn gọi là cung cấm, nhà Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là Đền Cả. Còn tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại đền; đền lại được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau giữa ba con sông (sông Lam, sông La và sông Minh); được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ Hạc. Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là Mỏ Hạc Linh Từ.

Đồng chí Đinh Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND thị xã - Trưởng ban tổ chức lễ hội thông qua diễn văn khai mạc lễ hội

Đền cả được nhân dân phối thờ chung nhiều vị thần; trong đó có cả Thiên thần, Nhân thần và Nhiên thần. Cụ thể: Ngoài vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười thì Đền còn thờ thần Tam Lang và Bà Lê Thị Ngọc Dung, con gái nuôi của Vua Lê Lợi.

Bí thư Thị ủy Lê Thành Đông..

..và Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Huy Hùng đánh trống, chiêng khai hội

Hàng năm theo tục lệ của địa phương, để tưởng nhớ công lao đóng góp của Đức quan ông Hoàng Mười và các vị thần được thờ tại Đền đã có công trong việc trấn giữ và bảo vệ mọi người khỏi nạn giặc dã thiên tai, nên Nhân dân trong vùng đã mở lễ hội để hi nhớ công trạng, đồng thời cầu cho đồng bào an lạc, mùa màng tốt tươi. Lễ hội thường được tổ chức cả tháng 10 âm lịch, chính lễ vào ngày trùng thập (mồng 10/10), với nhiều hoạt động và trò chơi dân gian thu hút nhiều du khách và nhân dân thập phương đến tham dự. Tuy nhiên trong một thời gian dài do bị phế tích, nên lễ hội Đền Cả cũng bị mai một.

Sau khi khôi phục được Di tích, nhiều năm lại nay, Lễ hội lại được Nhân dân khôi phục. Năm nay, lễ hội Đền Cả tiếp tục được tổ chức quy mô cấp thị xã với nhiều hoạt động có ý nghĩa như: tổ chức Hội thị gói bánh chưng dâng thánh của Hội nông dân và hội LHPN thị xã, tổ chức lễ rước nước (Lễ cấp thuỷ), Lễ rước bộ (Lễ cung rước Quan Hoàng Mười vân du), tổ chức kiệu thỉnh thập vị Hoàng tử vương quan, Lễ tế thánh, cúng phóng đăng và rước thả hoa đăng đàn Mông Sơn chẩn tế, tổ chức lễ tế dân gian và lễ hầu tạ. 

Việc tổ chức lễ hội Đền Cả năm nay là một trong những chương trình quan trọng để triển khai đề án xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, góp phần giới thiệu đến quý khách thập phương các di tích danh thắng nổi trên khác địa bàn thị xã Hồng Lĩnh.

Trao giải nhất hội thi gói bánh chưng dâng Thánh cho đơn vị phường Nam Hồng

Trao giải nhì cho đơn vị phường Trung Lương và phường Đậu Liêu

..và giải ba cho đơn vị phường Bắc Hồng, phường Đức Thuận và xã Thuận Lộc

 Sau phần khai hội, BTC lễ hội đã trao thưởng các địa phương đạt giải hội thi gói bánh chưng. Giải nhất đã thuộc về Đội Phường Nam Hồng; Đồng giải nhì thuộc về các phường Đậu Liêu, Trung Lương, 3 giải ba là các phường Bắc Hồng, Đức Thuận và xã Thuận Lộc. Trước đó, sáng ngày 28/10, hội thi gói bánh chưng dâng thánh được tổ chức với sự tham gia của hội LHPN, hội nông dân 6 phường, xã trên địa bàn. Sau hơn 1 ngày, 1.200 chiếc bánh chưng được gói và nấu đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ, chất lượng - là lễ vật thành tâm thể hiện tấm lòng thành kính và tri ân của Nhân dân Hồng Lĩnh.

Tặng quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Trung Lương

 Tiếp đó, Ban tổ chức đã trao 10 suất quà cho 10 hộ nghèo ở phường Trung Lương, mỗi suất gồm một phần quà và 500 nghìn đồng.

Các đại biểu cắt băng khánh thành ngôi Thượng điện

Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức đã cắt băng khánh thành ngôi Cung cấm hay còn gọi là Thượng điện.

Sau nghi lễ nhà nước, các đại biểu và du khách thập phương cùng tham dự lễ Kiệu thỉnh thập vị Hoàng tử Vương Quan. Đây là nghi lễ nhằm tái hiện mười vị Quan Hoàng trong nghi lễ thờ mẫu tam, tứ phủ.

Thập vị Quan Hoàng gồm có mười vị Quan Hoàng là các hoàng tử được quy về làm con Đức Vua cha Bát Hải Động Đình, đều hầu cận vua cha ở đền Đồng Bằng. Đây là những vị hoàng khi sống thì cứu nước cứu dân, khi mất lại hóa thần phù hộ cho giang sơn xã tắc, cho nhân dân được no ấm yên bình.

 Mười vị Quan Hoàng bao gồm:

- Quan Hoàng Cả Thượng Thiên (Quan Hoàng Quận)

- Quan Hoàng Đôi hay còn gọi là Quan Hoàng Triệu

- Quan Hoàng Bơ Thoải

- Quan Hoàng Tư và hiện thân tướng Nguyễn Hữu Cầu

- Quan Hoàng Năm hiện thân tướng quân Hoàng Công Chất

- Quan Hoàng Lục và hiện thân An Biên tướng quân

- Quan Hoàng Bảy vị thánh hoàng lừng danh đất Bảo Hà

- Quan Hoàng Bát Nùng Chí Cao đất Cao Bằng

- Quan Hoàng Chín Cờn Môn

Và Quan Hoàng Mười vị thánh hoàng linh thiêng nhất của vùng đất xứ Nghệ.

Như vậy, lễ hội năm nay ngoài các hoạt động sôi nổi của phần Hội còn là sự tái hiện các nghi lễ truyền thống nhằm “gạn đục khơi trong” góp phần bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc; góp phần xây dựng nền “Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu mai sau./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH XÃ THUẬN LỘC
    Bản đồ xã Thuận Lộc
     Liên kết website
    Thống kê: 499.294
    Online: 25