HIỆN NAY TRÊN ĐỊA BÀN XÃ THUẬN LỘC CÓ 05 DI TÍCH ĐƯỢC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TINH CÔNG NHẬN LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH

        1. Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Đình Giao tác.

         Đình Giao Tác thuộc làng Giao Tác (trước đây gọi là Nhà Dào), xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, đến năm 1946 thuộc huyện Can Lộc, nay là thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

          Trong lịch sử tồn tại và phát triển, Giao Tác là làng văn hiến với rất nhiều dòng họ có người học hành đỗ đạt, khoa cử. Theo tài liệu chép tay và một số gia phả của các dòng họ thì làng Giao Tác có từ thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ XV). Về di tích lịch sử văn hóa, xã Thuận Lộc có đền Long Mạch, Đền Giao Tác, Phúc Hải, Phúc Hội, chùa Cổ Lộng, chùa Thượng Hùng... và nhiều nhà thờ của các danh nhân, nhân vật lịch sử. Đặc biệt, đình Giao Tác là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư và nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng  quan trọng trong vùng.       

         Đình Giao Tác xưa là một công trình thể hiện sự đoàn kết, cầm cù, sáng tạo trong lao động do nhân dân, góp công, góp của xây dựng. “...Đình được dựng từ xưa, đến năm Tự Đức 28 (1875), cụ Chánh Do, cùng các bậc Kỳ lão, Kỳ hào, hương hào cùng tráng đinh, kẻ ít người nhiều thành tâm cúng góp làm lại quy mô, chạm trổ tinh xảo và lợp bằng ngói âm dương...”[1].

          Trước đây, “...Đình được xây dựng trên một khu đất cao, rộng gọi là nhà Sảng, sát bờ lũy có nhiều cây cổ thụ rậm rạp. Đình do hai tổ hai hiệp thợ nổi tiếng thi công. Hiệp thợ Thái Yên do ông Cửu Tiếp làm chủ; hiệp thợ làng Mật do cố Quyền Tịch làm chủ. Đình theo kiểu nhà rường. Mỗi hiệp thợ làm 2 vì, gian giữa thì một hiệp làm phía trước, một hiệp làm phía sau. Chỗ làm của hai hiệp ở cách xa nhau hai xóm nhưng khi đâu lại, dựng lên mộng mạy đều khít rịt, chạm trổ đều ăn khớp với nhau. Lúc chấm thi, làng thấy hiệp thợ Thái Yên sắc sảo hơn, nhưng có người bắt bẻ về bức chạm trổ “Vinh quy bái tổ” mà cánh cửa đình không mở. Làng đành phải xử hòa thưởng cho hai hiệp thợ ngang nhau”[2].

            Hiện nay, đình Giao Tác được phân bố trên một khu đất rộng với diện tích 1189,90m2 ,ngoảnh mặt về hướng Tây bắc. Phía trước mặt là một dãy cây lộc vừng và đồng ruộng mênh mông. Xung quang làng mạc yên bình. Hệ thống cổng và tường rào bao quanh được xây bằng gạch, xi măng, trang trí đơn giản. Cổng đình được tạo bởi 2 trụ chính có chiều cao là 6,20m, cách nhau 7,10m, hai cổng phụ mỗi bên rộng 2,30m. Từ cổng vào qua một khoảng sân rộng được lát bằng gạch đỏ. Đình được xây dựng trên một nền cao 1,20m so với mặt sân, có mặt bằng bố cục kiểu chữ nhất. Mặt trước có hệ thống cửa che chắn suốt dọc ba gian, hai mặt bên cũng được bít ván gỗ, mặt sau xây tường gạch. Bậc thêm lên xuống được làm thành năm bậc cấp lát đá Thanh. Từ phía ngoài có thể thấy bộ mái đình rất rộng, lợp ngói mũi hài. Trên bờ nóc đắp hình lưỡng long, hổ phù, 4 góc mái trang trí hình đầu đao uốn cong trang trí hình mây lửa cách điệu tạo nét mềm mại cho đình.

            Mặt bằng đình khá rộng (10,22m x8,66m) được phân thành 3 gian, 4 vì gỗ lim gồm 16 cột khá to và chắc khỏe. Các bộ vì được cấu tạo theo kiểu giá chiêng chồng rường, hệ thống kẻ chuyền kiểu cánh cung. Mỗi vì 4 cột, 2 cột cái cao 3,60m, đường kính 0,23m, 2 cột con cao 2.74m, đường kính 0,21m, đá tảng kê chân cột bằng đá Thanh, mỗi chiều rộng 0,50m. Hai đường hạ của hai vì giữa có kích thước dày 0,30m, hai đường hạ của hai vì đốc có kích thước dày 0,25m. Cấu trúc bước gian nhà đình: 4 vì chia thành 3 gian và hai hồi hiên để hành lang rộng. Gian giữa rộng: 3,41m; 2 gian bên rộng 2,40m. Hành lang 1,00m. Trên các đường xà, đường hạ, các hệ thống kẻ chuyền đều được chạm trổ hình tượng tứ linh. Về kết cấu vì kèo, gian giữa nối từ đỉnh thượng lương đến xà dọc thượng ở giữa là con kê tiện hình cột trụ đấu vuông thót đáy. Từ thượng lương nối liền với xà dọc thượng 2 bên là 2 con đấu tiện hình xe chỉ đỡ lấy mặt dưới của đường cầu phong và xà dọc thượng, cột đấu chạm hình mang lúa. Mặt trước thuồng luồng chạm lòng hình con dơi vươn ra phía trước. Hệ thống xà thượng chạm hình 2 con hạc đối xướng. Từ xà thượng nối liền với xà hạ hệ thống ván thưng không trang trí. Mặt trước gian giữa ngôi đình, các nghệ nhân đã tận dụng khoảng trống nối liền giữa xà dọc thượng và xà dọc hạ bằng hệ thống ván mê ở mỗi ô vuông gồm 4 chữ hán được những người thợ tài hoa dùng các mảnh sành sứ cổ ghép vào trong gỗ được dịch là: “Hách trạch anh linh”. Mỗi ô vuông xung quanh được viền các hoạ tiết dây leo cách điệu, ở mỗi ô chữ là một bức họa, tranh sinh động. Mặt trước xà dọc hạ được chạm lộng họa tiết trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Ở mỗi đường nét  kiến trúc  trên hệ thống xà nách nối với đòn kẻ liền giữa cũng được tạo bởi hệ thống ván thưng lấp khoảng trống giữa xà nách và đòn kẻ, ván mè, ván thượng, đuôi kẻ đâu ta cũng bắt gặp những đường nét điêu khắc gỗ điển hình các họa tiết trang trí như rồng chầu mặt nguyệt, hình người, phong cảnh, chim muông, thú như rùa, hươu, cảnh hoa lá, mây lửa tạo nên một bức tranh sinh động muôn màu sắc không gian ở thôn quê.

          Theo một số nguồn tư liệu còn lưu giữ tại địa phương và lịch sử Đảng bộ xã Thuận Lộc, đình Giao Tác là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Từ năm 1926 đến năm 1929, đình Giao Tác là nơi thành lập và hoạt động của các tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Thuận Lộc do các đồng chí Nguyễn Huy Lung, Phan Sỹ Duy, Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Hoạch là những sinh viên trường Pháp - Việt Hà Tĩnh làm lực lượng nòng cốt.

           Trong suốt từ những năm 1929 đến năm 1931, đình là nơi cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa chọn là địa điểm tổ chức các cuộc họp bí mật, một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa “...Chi bộ Nguyệt Ao được thành lập vào ngày 20 tháng 3 năm 1930 tại đình Giao Tác nên còn gọi là Chi bộ Giao, đồng chí Phan Sỹ Duy được cử làm Bí thư Chi bộ. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại xã Thuận Lộc”[3]. Tiền thân của Đảng bộ xã Thuận Lộc. Từ đây, các làng của xã Thuận Lộc có một tổ chức Đảng. Sau khi thành lập, Chi bộ đã phân công các đồng chí đảng viên bí mật đến từng nhà dân vận động xây dựng hoặc củng cố hoạt động của những hội quần chúng, đặc biệt là công tác phát triển Đảng, xây dựng chi bộ, tổ chức đoàn thể quần chúng được triển khai nhanh chóng ở các làng, tổng...Trong thời kỳ Xô viết Nghệ -Tĩnh 1930 - 1931, đình Giao Tác là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh biểu tình, điển hình như cuộc biểu tình đưa yêu sách đòi giảm sưu thuế tại huyện Can Lộc vào ngày 15 tháng 7 năm 1930. Cuộc biểu tình đêm ngày 16 tháng 10 năm 1930, đây là cuộc biểu tình lớn của toàn tổng Lai Thạch, những người tổ chức biểu tình đã diễn thuyết hô hào nhân dân đứng dậy làm cách mạng. Đoàn biểu tình sau đó tuần hành thị uy và hô vang khẩu hiệu giảm tô, giảm tức và bãi bõ sưu thuế. Tại cuộc biểu tình ngày 11 tháng 12 năm 1930, nhân dân trong làng tập trung tại đình kéo về chợ Tổng làm lễ truy điệu đồng chí Như và đồng chí Thiên bị lính Tây bắn chết. Cuộc biểu tình vào tháng 1, tháng 4, tháng 5 năm 1931 để phản đối địch đốt phá nhà dân, khủng bố anh chị em tự vệ đỏ và trấn áp bọn cường hào địa chủ trong xã. Ngoài các cuộc biểu tình, nhân dân trong xã còn tổ chức các cuộc mít tinh lớn. Đó là các cuộc mít tinh đấu tranh hạ uy thế cường hào địa chủ; đấu tranh lấy ruộng đất công điền chia cho nhân dân; trừng trị bọn phản động làm tay sai cho địch, lấy lúa nhà giàu cấp cho tự vệ và lập quỹ cứu tế, chống địch trấn áp, truy lùng cán bộ, đấu tranh không nạp thuế cho địa chủ ...

           Năm 1931, khi phong trào Xô Viết bước vào giai đoạn thoái trào. Đình lại thành nơi chứng kiến những cảnh bắt bớ, tra tấn, đánh đập các đồng chí chiến sĩ cách mạng ở xã Thuận Lộc. “Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy”. Đến năm 1945, cách mạng thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, cũng chính dưới mái đình này, chính quyền xã được thành lập, là nơi diễn ra các cuộc mít tinh lớn ủng hộ chính phủ kháng chiến, ủng hộ chính quyền cách mạng, là nơi phát lệnh và chỉ huy đoàn tuần hành của quần chúng nhân dân kéo về chợ Tổng tước triện cai xã, giành chính quyền về tay nhân dân. Đình trở thành trụ sở hành chính đầu tiên của xã. Năm 1954, trước phong trào hợp tự các đình, chùa, miếu mạo thì đình Giao Tác vẫn được giữ nguyên. Nhưng đến năm 1963, đình được dùng làm nơi sinh hoạt của hợp tác xã Đồng Tiến. Đến năm 1973, đình được chuyển về trụ sở UBND xã để làm nhà truyền thống. Năm 1912, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ xã Thuận Lộc ra nghị quyết về việc trùng tu tôn tạo đình và chuyển về chỗ cũ. Hiện nay, đình là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa của các xã và tổ chức đoàn thanh, thiếu niên, phụ nữ, hội người cao tuổi.

           Đình Giao tác là di tích lịch sử - văn hóa tín ngưỡng của làng Giao Tác và người dân địa phương xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở đây chủ yếu tập trung vào các kỳ: tế tự thần, ngày khai hạ, kỳ phúc, cầu yên...có sự tham gia của các chức sắc trong làng và đông đảo người dân gần xa tụ hội về đình tổ chức cúng tế khá trang nghiêm. Là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử: Năm 1930 là nơi thành lập Chi bộ Giao, tiền thân của Đảng bộ xã Thuận Lộc ngày nay, cũng là nơi thành lập chính quyền Xô Viết cách mạng.

           Đây là nơi tập hợp các tầng lớp đông của nhân dân để tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, diễn thuyết truyền đạt các chủ trương chính sách của Đảng và chính quyền cách mạng trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng Tháng Tám năm1945 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tại di tích được phục hồi. Các ngày lễ xuân, thu nhị kỳ được tổ chức khá long trọng tại đình nhằm tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân của đất nước và trong các dòng tộc ở làng đã có công trong lịch sử dân tộc Việt Nam./.

           2. Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh: đền Phúc Hội.

          Đền Phúc Hội thuộc xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê, ngôi đền cũ gồm hạ điện, trung điện và thượng điện được làm bằng gỗ, tường và mái được sử dụng vật liệu dân gian truyền thống, đáng tiếc trải qua bốn lần di chuyển nên mất mát hư hỏng nhiều đồ tế khí và tư liệu quý hiếm có niên đại hàng trăm năm. Trong những năm gần đây, ban vận động trùng tu tôn tạo đền Phúc Hội và dân làng đã sưu tầm được những tư liệu quý hiếm trong đó có 11 đạo sắc phong cho các vị thần như sau:

         1. Vị thần: Long vương Nhất lang, sắc vua Thành Thái năm thứ 6. 1895.

         2. Vị thần: Long vương Nhị lang, sắc vua Thành Thái năm thứ 6, 1895.

         3. Vị thần: Long vương Tam lang, sắc vua Thành Thái năm thứ 6, 1895.

         4. Vị thần: Sát Hải Đại Vương, sắc vua Thành Thái năm thứ 10,1898.

         5. Vị thần: Tô Đại Liêu, vua Thành Thái năm thứ 10, 1898.

         6. Vị thần: Song Đồng Ngọc nữ, vua Thành Thái năm thứ 10, 1898.

         Qua hệ thống sắc phong được phong cho các vị thần như Song đồng Ngọc nữ, Tam Lang, Sát Hải đại vương, Tô Đại Liêu cho thấy sự đa dạng trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân nơi đây, trong đó có sự đan xen dung hợp giữa các loại hình tín ngưỡng thờ thiên thần, nhiên thần và nhân thần. Đó còn là sự thể hiện minh chứng cho giá trị của đền làng Phúc Hội mà nhân dân đã giữ gìn được qua bao thời gian, năm tháng.

            Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, hằng năm nhân dân trong vùng tổ chức lễ tế một cách tôn nghiêm trọng thể. Lễ hội còn được làng tổ chức các trò vui dân gian và hát Ví giặm, hát đối đáp với nhau. Sinh hoạt tín ngưỡng tại đền biểu hiện nếp sống văn hóa lành mạnh, không có hiện tượng mê tín dị đoan như bói toán, cầu đồng, cầu bóng hoặc cờ bạc mất trật tự trị an.

            Sau Cách mạng tháng Tám, chủ trương hợp tự các đền, miếu trong vùng nên việc tế tự, thờ cúng và các lễ hội truyền thống đã bị mai một theo thời gian. Tuy vậy, lễ hội truyền thống của đền Phúc Hội vẫn có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tâm linh của dân làng và với lớp người cao niên thì lễ hội đền Phúc Hội vẫn để lại dấu ấn sâu sắc.

            Hiện nay, chính quyền địa phương cùng với bà con nhân dân đã xây dựng lại đền và phối hợp với cơ quan chuyên môn khôi phục các lễ hội nhằm tái tạo lại nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy có  hiệu quả các giá trị di sản văn hóa ở địa phương.

            Di tích đền Phúc Hội đã được xây dựng lại trên khu đất có diện tích 4834,5m2,  nằm ở giữa cánh đồng làng Phúc Hội xưa, ba mặt đền nhìn ra cánh đồng lớn, là vùng đất trũng, mặt bên là làng mạc. Đền thờ gồm các hạng mục: Cổng, tắc môn, hạ điện và thượng điện. Bố cục mặt bằng nằm cân đối giữa khuôn viên, hài hòa với cảnh quan tổng thể và mang dấu ấn kiến trúc truyền thống làng quê.

          Cổng vào di tích được xây dựng bằng nguyên liệu gạch, xi măng, kích thước chiều rộng 5,9m, trụ cổng cao 4,5m, phía trước khắc câu đối chữ Hán:

“Phúc Hội đội ơn đền đáp mãi

Thần Linh muôn dân được ghi nhớ”

           Từ cổng chính đi vào 5m là đến tắc môn, kích thước chiều dài 2,6m, chiều cao 1,6m, được xây dựng bằng vật liệu gạch, xi măng, vôi vữa, chính giữa trang trí hình hổ phù, xung quanh tạo viền cách điệu.

            Hạ điện mới được xây dựng là ngôi nhà 3 gian, 2 hồi, diện tích sử dụng 77,5m2, hạ điện được làm bằng vật liệu xi măng, bê tông giả gỗ, kết cấu kiến trúc theo kiểu nhà kẻ, các cột được đúc bằng bê tông có đường kính 300cm, nền lát gạch vuông, mái lợp ngói, kết cấu nhà hạ điện đơn giản, các thanh xà ngang, xà dọc được kết nối với các cột bê tông rất kiên cố vững chãi, gian giữa bố trí 2 cột quân, 2 cột trốn, để tiết kiệm vật liệu và tạo không gian thoáng đãng cho công trình. Hai đầu tường hồi xây tường bao xi măng, 3 gian giữa hạ điện trổ ba cửa đia và vách ngăn giữa các gian nhằm tạo không gian phục vụ cho sinh hoạt chung và chuẩn bị tế lễ của nhân dân.

           Thượng điện có cấu trúc gồm 3 gian, hệ thống cột được làm bằng xi măng giả gỗ, nền lát gạch đỏ, mái lợp ngói mũi, bờ nóc trang trí lưỡng Long chầu nguyệt, tường bao xi măng. Phía trước mỗi gian trổ hai cánh cửa pano truyền thống, bao quanh cửa là các bức vách bê tông sơn giả gỗ khép kín rất chắc chắn, có tính thẩm mỹ cao.

           Phía trước mỗi gian là hệ thống kẻ mái làm bằng xi măng giả gỗ đấu nối với hàng cột hiên làm tăng thêm đỗ vững chắc cho ngôi đền. Phía trong điện thờ là những hàng cột vững chãi đường kính cột 300cm, kích thước các bước gian như sau: gian giữa có diện tích 8,2m2, gian bên có diện tích 7,4m2,  kết cấu vì kèo đơn giản, trên mỗi thanh xà ngang xà dọc không đắp nổi các họa tiết hoa văn truyền thống. Các cột trốn được đấu xà dọc tạo thế vững chắc và không gian thoáng rộng cho điện thờ.

             Đền Phúc Hội là một ngôi đền được xây dựng để thờ các vị thần có công hộ nước giúp dân và chỗ dựa tinh thần của nhân dân trong vùng. Các hạng mục công trình được xây dựng liên hoàn hợp thành một khối thống nhất kiên cố, vững chãi và hài hòa với môi trường cảnh quan tự nhiên và đều nằm trong khuôn viên tường bao khép kín thuận tiện cho việc bảo quản hiện vật cũng như tu bổ tôn tạo di tích.

             Đền Phúc Hội gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Phúc Hội, đền được nhân dân xây dựng để thờ các thiên thần, nhiên thần và nhân thần. Đó là những vị thần gắn với cuộc sống của dân làng và những nhân vật lịch sử nổi tiếng có công trạng lớn lao. Họ là những vị thần xứng đáng được tôn vinh, kính trọng và thực sự đã được thần thánh hóa trở thành vị thành hoàng linh thiêng trong tiềm thức nhân dân.

             Bên cạnh đó đền còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị của một vùng đất, những tấm sắc phong quý hiếm, những câu đối, bài vị, tư liệu hán nôm cùng với lễ hội truyền thống đã trở thành những tài liệu vô giá góp phần tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương.

             Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng giá trị về văn hóa lịch sử của ngôi đền vẫn được nhân dân địa phương tổ chức các hoạt động lễ hội và duy trì nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp.

            3. Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh: nhà thờ Trần Trọng Giới.

              Nhà thờ họ Trần (Trần tộc đại tôn) thuộc làng Hói xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, phủ Đức Quang rồi phủ Đức Thọ, nay là thôn Hồng Lam, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh là một di tích lịch sử văn hóa cổ. Nơi thờ tự vong linh tiên tổ dòng họ Trần và Kiệt Trung tướng quân, Thiên vạn hộ Kỵ úy tướng quân Trần Trọng Giới. Trần Trọng Giới sinh ra và lớn lên trong thời tao loạn, xuất thân từ một vị tướng chỉ huy một đội quân Ưu binh, tùy tùng của Thống lĩnh Hải quận công, hoạt động ở các đạo Thanh Hoa (Thanh Hóa bay giờ) và Nghệ An. Ông đã dũng cảm chiến đấu và lập được nhiều công lao, được triều thần và nhà vua ghi nhận. Năm Cảnh hưng thứ 11 (1750), ông được nhà vua ban sắc phong từ chức Đội trưởng Ưu binh Hãn Đồ lên chức Bá hộ, là Phấn lực tướng quân, tráng sỹ ti Hiệu Lệnh, Bá hộ.

                 Hơn 20 năm sau, nhờ có những công lao trước đó cùng với sự nỗ lực, lòng quả cảm nơi trận tiền trong cuộc chiến tranh dẹp loạn khởi nghĩa Lê Duy Mật nên ông tiếp tục được nhà vua ban sắc phong từ Phấn lực tướng quân, Hiệu lệnh ti, tráng sỹ Bá hộ lên chức Thiên Hộ, là Kiệt trung tướng quân, Hiệu lệnh ti tráng sỹ, Thiên hộ, Vân kỵ úy.

                Bốn năm sau, khi ông làm Chánh đội trưởng ở cơ Tiền Ninh, đánh phá sào huyệt của giặc, thu nhiều khí giới, có nhiều công lao, Trần Trọng Giới tiếp tục được vua phong chức Khiêm Tổng Tri, Trì Oai tướng quân thủ ngự, Tổng tri ti, Phi kỵ úy, Trung chế.

                Như vậy từ vị trí chỉ huy một đội quân Ưu binh, nhờ dũng cảm gan dạ và lập nhiều công lao trong cuộc chiến chống lại khởi nghĩa Lê Duy Mật, ông đã được phong từ chức chỉ huy một đội quân Ưu binh lên chức Bá hộ, Thiên hộ thuộc ty Tráng sỹ của Kim Ngô Vệ. Chức danh võ quan từ Kiệt Trung tướng quân, Hiệu lệnh ti Tráng sỹ, Thiên hộ, Vân kỵ úy, Trung Tuyền lên chức Trì uy tướng quân, Thủ ngự, Tổng tri, Kiêm Tổng tri, Phi kỵ úy, Trung chế. Những công lao, cống hiến của ông đã được nhà vua và các bậc triều thần ghi nhận. Ngày 18 tháng 7 năm Cảnh Hưng ông hi sinh, thi hài của ông được hỏa táng và rước về quê nhà. Nhà vua đã cử quan Tổng binh về tại quê nhà làm lễ truy điệu và an táng cho ông, đồng thời ban cho ba mẫu ruộng giao cho con cháu trong dòng tộc cày cấy, thu lấy hoa lợi, lo việc hương hỏa thờ phụng.

             Nhà thờ Trần Trọng Giới hiện nay tọa lạc trên một mảnh đất có diện tích 116,7m2, thuộc thôn Hồng Lam, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Theo gia phả lưu truyền lại, ban đầu nhà thờ là một ngôi nhà gỗ 3 gian, lợp bằng lá. Khoảng 120 năm về trước do hỏa hoạn nên bị phá hủy. Con cháu trong dòng họ đã tập trung xây dựng lại để thờ phụng, do yếu tố tâm linh trong sự phát triển và trường tồn của dòng họ, cách đây 90 năm về trước, đời cố Trần Nhu và ông Trần Tùng trưởng tộc, dòng họ xây dựng lại và quy tụ nhà liền tộc gồm 3 gian nhà lợp ngói. Trong thập niên 40 của thế kỷ XX, dòng họ đã nhiều lần tôn tạo, sửa chữa nhà thờ được trang nghiêm hơn.

              Từ năm 1965 đến năm 1970, do chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, nhà thờ bị hỏng phần mái và đổ tường bao. Năm 1991, con cháu trong dòng họ vận động kinh phí sửa chữa phần mái và xây dựng lại tường bao, phía trong tôn tạo lại bệ thờ và hương án với tổng kinh phí của thời kỳ đó là: 3.700.000đ

               Năm 1997, dòng họ tiếp tục vận động con em góp công, góp của để lát lại phần nền nhà thờ bằng gạch Cẩm Trang và mua sắm lư hương, 3 đôi hạc thờ với kinh phí 10.300.000đ

               Từ năm 2004 đến năm 2012,  dòng họ tiếp tục trùng tu tôn tạo lại bái đường, lát sân nhà thờ, làm lại phần mái, xây dựng tường rào và cổng chính nhà thờ với tổng kinh phí là 30.500.000đ

             Đến năm 2015, dòng họ mở rộng nhà bái đường và làm thêm 2 cánh cổng chính  với kinh phí 35.000.000đ

            Đến nay, tổng kinh phí trùng tu xây dựng nhà thờ đã lên đến hơn 75 triệu đồng, hiện vật trong nhà thờ trị giá gần 20 triệu đồng, với hơn 200 ngày công lao động. Hiện nay nhà thờ Trần Trọng Giới đã được công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Đây cũng là niềm động viên lớn lao cho bà con nhân dân trên địa bàn thôn cũng như con em trong dòng họ đồng thời cũng là động lực để các cấp, các ngành và địa phương tăng cường bảo tồn,phát huy giá trị các di tích Lịch sử - Văn hóa trên địa bàn xã.

  4. Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh: Đền Phúc Hải.

           Đền Phúc Hải trước đây thuộc thôn Phúc Lộc, xã Phúc Hải, Phủ Đức Thọ, Huyện La Sơn nay là thôn Phúc Thuận xã Thuận Lộc thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh. Ngồi đền được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XVII dưới triều vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1761 – 1785). Nguyên gốc đền có kiến trúc 3 tòa bằng gỗ, trên 1 diện tích lớn 6000m, là ngôi đền lớn trong số đền, chùa trên địa bàn xã Phúc Hải xưa.

            Đền thờ một số nhân vật thuộc các dòng họ: Lê, Đinh, Trần, Nguyễn...là những dòng họ về khai khẩn, lập làng khá sớm và một số người đỗ nho sinh, ấm sinh, tú tài qua các kỳ thi dưới thời kỳ phong kiến và đã có nhiều công lao với làng xã nên được triều đình phong kiến ra sắc chỉ để thờ tự. Theo tư liệu (bản chữ hán và bản lược dịch) lưu tại di tích ghi các nhân vật được tôn thờ như sau:

            Thời Lê:

            - Ông Trần Quý tướng công, tự Văn giáo làm giám sinh ở Quốc Tử Giám

            - Ông Trần Tuấn Sỹ, tự Thái Bạt thi trúng Tứ trường khoa thi Quý Dậu vào làm Nội thị văn chức.

            - Ông Trần Quý Công. tự Văn Diệu, là công thần, chuẩn thăng kim tự, vinh lộc Đại phu, chấp kim ngô vệ, vệ úy lịch công, Bộ lang trung, phó đoán sự tuấn hợp tử.

            Thời Nguyễn:

             - Hoàng Triều Tự Đức, Mậu thân khoa Tú tài Đinh Công, tự Đăng Phong.

            - Hoàng Triều Tự Đức, Mậu thìn khoa Tú tài Đinh Công, tự Đăng Tán.

           Đền thờ thành hoàng làng và 3 vị tam lang, theo truyền thuyết, tam lang là 3 con rồng, con của Hùng Hải (em Hùng Vương thứ 3) do mẹ con Trang Hoa sinh ra trên một chiếc thuyền giữa ngã ba Bạch Hạc, sau này làm thủy thần và được gọi là Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang Long Vương, và Tam lang là chàng ba của vua Hùng được sai làm thần ở sông Bạch Hạc luôn hiển linh, phò trợ giúp muôn dân nên luôn được tôn thờ và 3 vị thần đó được thờ tại đền Phúc Hải.

        Lịch sử ra đời ngôi đền có thể nói được hình thành cùng với sự hình thành của kênh nhà Lê. Trước đây đền cũng được dựng rất đơn giản bao gồm Thượng điện, Trung điện, Hạ điện và Bái đường, bố cục theo kiểu chữ Tam, ngoảnh về hướng Nam, trước đền có ao hồ, quanh năm đầy nước tạo nên thế cận thủy cho đền. Tương truyền rằng, xưa kia ở làng Phúc Hải hạn hán quanh năm, nhân dân mất mùa đói kém, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ... các quan chức trong đền đã quyết định hô hào nhân dân trong vùng đắp đập xây kè, dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, đồng thời phóng úng khi mùa mưa lũ đến. Chính vì vậy ngày nay người ta vẫn thường gọi là kênh nhà Lê (Vì nó ra đời thời kỳ hậu Lê). Đền Phúc Hải nằm cạnh đó cũng được gọi là đền thờ Thần Thủy, cầu cho mưa thuận, gió hòa, an cư lạc nghiệp.

          Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ năm 1946 – 1947 theo chủ trương hợp tự, các đồ tế lễ tại đền Phúc Hải và các đền chùa trong vùng chuyển về hợp tự tại đền Phúc Hội, từ năm 1956 – 1958 ngôi đền bị tháo dỡ làm trường học và kho hợp tác xã, từ đó đền Phúc Hải trở thành phế tích hoàn toàn...Những chứng tích để lại về ngôi đền hầu như không có, chỉ lưu giữ được 7 phong sắc mà nhà vua đã ban cho các quan thần xưa là tại liệu chủ yếu, còn lại là những chứng tích từ lời kể của các bậc cao niên trong làng.

          Tháng 3 năm 2013 một số cụ cao tuổi đã nghiên cứu, tìm kiếm, sưu tầm, dịch lại các sắc phong, di hiệu và lập hồ sơ đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp để cho phép xây dựng lại ngôi đền. Cũng trong năm 2013, cán bộ và nhân dân trong vùng đã thành lập Ban vận động để vận động bà con nhân dân, con cháu xa gần đóng góp ngày công tiền của để trùng tu tôn tạo lại ngôi đền.

          Ngày 29 tháng 7 năm 2013 dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã, ban vận động trùng tu xây dựng đền đã tiến hành khởi công xây dựng công trình nhà thượng điện có diện tích gần 30m2. Quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản. Nhà thượng điện bài trí theo 3 cung thờ (Cung chính và cung tả, cung hữu). Cách bài trí theo lễ nghi phong tục cổ truyền (Hương án thờ, trên hương án bài trí long ngai bài vị, hộp quả, lư hương, đèn thờ...). Nhà thượng điện có câu đối:

Đền Phúc Hải nhờ thế hiển linh vua ban ấn phong sắc.

Đức long vương thuận ý hộ chiếu dân hưởng lộc phụng thờ

          Sau thời gian 50 ngày thi công, từ ngày 29/7/2013 đến ngày 20/9/2013, Nhà thượng điện được xây dựng hoàn thành cùng với một số hạng mục công trình khác trong đền như: Móng nhà trung điện, cổng đền...Với tổng mức kinh phí đóng góp của nhân dân cũng như con em xa quê trị giá 204.000.000đ tiền mặt, và các loại vật tư xây dựng trị giá 11.500.000đ và một số đồ tế lễ, trang trí trị giá 37.500.000đ và hơn 570 ngày công.

          Sau khi xây dựng hoàn thành thượng điện, tháng 10 năm 2013, ban vận động xây dựng đền cũng đã tiến hành xây dựng nhà trực, nhà thủ trì để phục vụ cho việc bảo quản cũng như trồng cây xanh xung quanh đền.

          Tháng 3 năm 2014, ban vận động tiếp tục huy động sức người sức của khởi công xây dựng phần trung điện, nhà Bia, trụ đối. Nhà trung điện được xây dựng với diện tích: 50m2. Gồm 3 gian được kết cấu theo kiến trúc bê tông giả gỗ gác tường, mặt chính trổ 3 cửa, mái lợp ngòi đỏ. Đỉnh nóc có hình “Lưỡng long triều nguyệt”, bốn góc mái đắp 4 con giống cách điệu. Mặt trước nhà trung điện đặt nhà bia kiểu 2 tầng, 8 mái trong đặt bia ghi nội dung các vị nhân thần được thờ tại đền Phúc Hải và câu đối:

Công cao hộ quốc lưu nhân thần / Đức đại yên dân hậu thế lập

          Phần bài trí nội thất trung điện đơn giản, Gồm hương án thờ bằng gỗ, bài trí hương bằng đồng, trước hương án có 2 con hạc gỗ.

            Đền Phúc Hải đã được cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đây không chỉ là niềm vinh dự của nhân dân khu vực Hồng Phúc mà còn là niềm tự hào của toàn thể nhân dân xã Thuận Lộc. 

             5. Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh: Nhà thờ Trần Văn Khải.

             Nhà thờ Trần Văn Khải tọa lạc trên một mảnh đất hình chữ nhật có diện tích 151,1m2, thuộc thôn Chùa, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi nhà hiện nay được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820), mặt ngoảnh về hướng Đông Nam, có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhị bao gồm nhà thượng điện, hạ điện, đường vào, cổng và tường rào bao quanh. Nhà thờ Trần Văn Khải là một di tích lịch sử văn hóa, là nơi thờ tự, tưởng niệm, tri ân các vị tiên tổ dòng họ Trần Văn thôn Chùa và Tráng tiết tướng quân Phó thiên hộ Trần Văn Khải.

              Nơi đây hiện còn lưu giữ được 04 bản sắc lệnh từ thời Lê Trung Hưng (đời vua Lê Hiến Tông) đến thời Nguyễn (Đời các vua Tự Đức, Thiệu Trị). Đây là nguồn sử liệu có giá trị, phục vụ cho việc nghiên cứu trên nhiều phương diện: Nhân vật lịch sử, văn bản học, cách bảo quản lưu trữ và qua đó có thể đi sâu tìm hiểu thêm một phần không chỉ đối với sự phát triển của một nhân vật, một dòng họ mà còn là một trong những vùng đất cổ của Hà Tĩnh: Làng Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch xưa và xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh hôm nay. Đây cũng là nới đang còn lưu giữ rất nhiều đồ tế khí cổ có giá trị, là những di vật từ trước để lại như: Hương án, bàn thờ, long ngai, mâm cổ bồng, lư hương gỗ, bài vị, ghế thờ...

          Theo cuốn gia phổ của làng Phúc Hải thì dòng họ Trần Văn ngụ tại thôn Chùa có nguồn gốc từ tỉnh Hải Dương, vào khoảng những thập niên cuối thế kỷ thứ 16 (Thời Hậu Lê) 2 cha con tên là Mậu Lâm, Mậu Lực đã đi vào lập nghiệp tại xã Bình Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Quang. Cụ Mậu Lực sinh ra cụ Trần Văn Giáo, hồi nhỏ cụ Giáo là ngươi nổi tiếng thông minh, lanh lợi đươc tiến sỹ Bạt Quận Công Thượng Thư bộ lễ nhận làm con nuôi và cho vào học tại trường Quốc Tử Giám và gả con gái tên là Dương Thị Ngọc Kiện cho cụ, sau đó cụ Trần Văn Giáo về định cư tại xã Phúc Hải, tổng Lai Thạch (thôn Chùa ngày nay) đã trở thành thủy tổ của dòng họ Trần Văn.

          Trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19 là những giai đoạn đầy biến cố lớn lao của đất nước, tôn ti trật tự lễ giáo bị đảo lộn và các tập đoàn phong kiến Vua Lê, Chúa Nguyễn tranh dành xâu xé lẫn nhau, thường xuyên xảy ra các cuộc nội chiến, các cuộc khởi nghĩa như khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương 1740 - 1751, Nguyễn Hữu Cầu  1741 – 1756, Hoàng Công Chất, Lê Duy Mật 1738 -1776.

          Cụ Trần Văn Khải, không rõ ngày tháng năm sinh, năm mất. Chỉ biết ông sinh vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII, thời Lê đời vua Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng, mất vào khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ thứ XIX (Húy kỵ vào ngày 12 tháng 3 âm lịch hằng năm). Xuất thân là phó tướng chỉ huy của một đội quân Ưu binh (còn gọi là lính Tam Phủ, những người lính này được lấy từ các đạo Nghệ An, Thanh Hóa) thuộc cơ Hữu Dực, một lòng trung thành với triều đình, dũng cảm trong chiến đấu, đã lập được nhiều công lao, được nhà vua và triều thần ghi nhận. Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), trong cùng một ngày ông được nhà Vua ban sắc, phong từ chức đội trưởng lên chức Bách Hộ, Phấn lực tướng quân, Hiệu lệnh tư tráng sỹ rồi chức Phó thiên hộ, Tráng tiết tướng quân, hiệu lệnh tư xuy kim tráng sỹ, thiết kỵ úy, Trung Liệt.

          Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Văn Khải đã trở thành một phần tâm thức và tình cảm của đông đảo bà con trong dòng tộc. Hằng năm vào các dịp lễ tết, các ngày rằm, mồng một hàng tháng, bà con trong dòng họ Trần tại thôn Chùa và một số con cháu trong dòng tộc từ khắp các miền của Tổ Quốc lại tập trung về đây dâng lên nén hương thơm cùng lễ vật để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân đối với những công lao cống hiến của Trần Văn Khải nói riêng và các vị tiên liệt dòng họ Trần Văn thôn Chùa nói chung đối với quê hương đất nước. Qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho con cháu và đông đảo quần chúng nhân dân.

          Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, nhà thờ Trần Văn Khải được bà con trong dòng tộc bảo vệ, giữ gìn, theo lời kể của các vị cao niên trong dòng họ, nhà thờ được làm vào khoảng những năm 1820, ban đầu được lợp bằng tranh và đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, những lần gần đây nhất vào các năm 1990, 1991 và năm 2016 con cháu trong dòng tộc đã đóng góp sức người, sức của khôi phục, tôn tạo lại thượng điện, xây mới nhà hạ điện và mua sắm bổ sung các cơ sở vật chất tại nhà thờ như hôm nay.

            Nhà thờ Trần Văn Khải đã được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp  Tỉnh là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Trong thời gian tới Đảng bộ và nhân dân xã Thuận Lộc, con cháu thập phương luôn hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp tục đầu tư, tôn tạo, bảo quản, quản lý các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng nhằm phát huy hơn nữa giá trị của di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, góp phần làm thắm hơn trang sử truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, xây dựng xã nhà giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, góp phần giáo dục truyền thống, phát triển văn hóa, du lịch của xã Thuận Lộc cũng như thị xã Hồng Lĩnh.

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Văn bản mới ban hành
      PHÁT THANH XÃ THUẬN LỘC
      Bản đồ xã Thuận Lộc
       Liên kết website
      Thống kê: 498.382
      Online: 22