“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi…

Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt

Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi

Kìa ! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai” (*)

    Vào buổi trưa lịch sử cách đây 110 năm, ngày 05 tháng 6 năm 1911, từ Bến Cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với lòng  thương dân vô hạn và ý chí cứu nước mãnh liệt, Người đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam. "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu". [1]  

    Tháng 12/1923, trả lời phỏng vấn của nhà báo Liên Xô Ôxip Manđenxtam, Nguyễn Ái Quốc cho biết: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: “Tự do”, “Bình đẳng”, “Bác ái”. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế... Trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người ta như con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì làm thế nào bây giờ ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài." . [2]  

    Trong quyết tâm đi tìm con đường cứu nước có một mẩu chuyện do Trần Dân Tiên (**) ghi lại  việc Nguyễn Tất Thành bàn với một người bạn thân về ý muốn đi ra nước ngoài có nội dung như sau:

          - Nguyễn Tất Thành: Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không ?

- Anh bạn: Nhưng lấy đâu ra tiền mà đi ?

- Nguyễn Tất Thành (vừa nói vừa giơ hai bàn tay): Đây, tiền đây ! Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi…”. [3] 

    Ngày 02 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Đô đốc Latouche-Tréville của hãng vận tải Hợp Nhất (Compagnie des Chargeurs réunis), hay còn gọi là hãng Nǎm Sao đang chuẩn bị rời Cảng Sài Gòn đi Marseille Pháp. Lúc tàu này cập cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành xuống tàu và gặp viên thuyền trưởng tên là Lui E-du-a Mai-sen. Ông thuyền trưởng hỏi rằng: “Anh có thể làm được việc gì ?” Người trả lời: “Tôi có thể làm bất cứ công việc gì”. Sau đó, thuyền trưởng nhận Nguyễn Tất Thành vào làm phụ bếp.

    Ngày 03 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Đô đốc Latouche-Tréville, nhận thẻ nhân viên của tàu bằng tên gọi mới là Văn Ba với mức lương tháng được lãnh là 50 Franc Pháp, trong khi những người bồi bàn Pháp làm việc rất nhàn nhã lãnh lương gấp 3 lần.

    Trưa ngày 05 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành trong công việc là người phụ bếp chính thức lên đường sang Pháp trên chiếc tàu buôn Latouche-Tréville. Trong hành trình đó, tàu đi qua các nước Singapore, Colombo và nhiều nước khác. Đến ngày 15 tháng 7 năm 1911, tàu cập bến cảng ở miền Bắc nước Pháp.

https://image2.baonghean.vn/w800/Uploaded/2020/nkdkswkqoc/201705/original/images1916450_14.jpg

Bến Nhà Rồng – Nơi Bác Hồ ra  đi tìm đường cứu nước 05/6/1911 - Ảnh tư liệu

    Nguyễn Tất Thành đi ra nước ngoài với tư cách và nhãn quan chính trị hoàn toàn khác với các bậc tiền bối. Nếu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh trong vai thân sĩ, với tư tưởng thủ cựu và dựa vào sự giúp sức của bên ngoài. Thì Nguyễn Tất Thành sang phương Tây với lập trường, quan điểm độc lập trong tư cách là người lao động với các công việc như: phụ bếp, thợ rửa ảnh, cào tuyết, làm vườn, đốt lò,… Người đã tìm ra chân lý cách mạng và con đường giải phóng dân tộc.

    Từ 1911 - 1920, Nguyễn Tất Thành đi đến 28 nước trên thế giới. Trải qua hành trình đó, Người đã thâm nhập được vào cuộc sống của người lao động các nước; chứng kiến ách áp bức tàn bạo của giai cấp tư sản đối với nhân dân các nước thuộc địa, phụ thuộc…Từ đó, Người nhận ra nổi thống khổ và khát vọng chung của quần chúng cần lao; thấy được năng lực, sức mạnh của giai cấp vô sản đối với các cuộc cách mạng; đồng thời hiểu rỏ bản chất bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Cũng trong hành trình đó, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp Luận cương của Lê-nin (7/1920), đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin một bước ngoặt mới được mở ra trong nhận thức về vấn đề lý luận cách mạng. Giá trị to lớn từ đôi bàn tay lao động của Người chính là sự tích lũy vốn thực tiễn phong phú và những kết luận sâu sắc về chủ nghĩa đế quốc để làm căn cứ cho sự lựa chọn con đường cứu nước – Con đường Cách mạng vô sản “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.[4]

    Ngoài giá trị thực tiễn thì sức mạnh truyền cảm hứng từ sự kiện ngày 05/6/1911 cũng rất lớn đối với các thế hệ người Việt sống và làm việc theo gương Bác  Hồ vĩ đại. Ngày 05/6/1911, trở thành “Cột mốc son vàng” của lịch sử dân tộc, khắc ghi sâu sắc trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021), nhớ về Người, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân kiên định đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng thời, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta hãy học Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc và đời sống hằng ngày về tinh thần lao động, sáng tạo, học tập nghiên cứu, xây hoài bão lớn để có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước.  

    Noi gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh luôn phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng nổ lực đổi mới để phát triển; gắn việc học tập Bác vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp được đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Kết quả: nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt được vinh danh; công trình, nhà máy, khu công nghiệp phát triển ngày từng ngày; các tuyến phố xanh - sạch - đẹp hiện hữu rỏ nét đô thị văn minh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Vì vậy, Nhân dân phấn khởi, đồng lòng đoàn kết và quyết tâm “đưa Hồng Lĩnh phát triển nhanh, vững chắc, thực hiện có hiệu quả xây dựng đô thị văn minh, đô thị loại III và thực sự trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía Bắc của tỉnh nhà”./.

Chú thích và Tài liệu tham khảo:

(*) Trích bài thơ: “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên.

(**)Tác giả cuốn sách “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” xuất bản tại Trung Quốc trước năm 1945.

[1]  Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr.112

[2]  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản. Chính trị Quốc gia, năm 1995, tập 1, trang 477.

[3]  Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,  năm 1955, Nhà xuất bản Hà Nội, tr116.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản. Chính trị Quốc gia, năm 1995, tập 3, trang 618.

[5] Thị ủy Hồng Lĩnh - Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Hồng Lĩnh lần thứ VII nhiệm kỳ 2020 – 2025, năm 2020 – tr84.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH XÃ THUẬN LỘC
    Bản đồ xã Thuận Lộc
     Liên kết website
    Thống kê: 504.247
    Online: 18