Một số điểm mới của chính sách trợ giúp xã hội trong Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, liên quan đến đối tượng người khuyết tật

Ngày 15/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và sửa đổi, bổ sung khá nhiều quy định của một loạt

Một số điểm mới chủ yếu về chính sách TGXH trong Nghị định 20/2021/NĐ-CP liên quan đến người khuyết tật

1. Chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng có nhiều đổi mới

* Thứ nhất: Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội

Một trong những điểm mới khá quan trọng của Nghị định này chính là: tăng mức chuẩn TGXH đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo khoản 2, Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn TGXH áp dụng từ ngày 01/07/2021 là 360.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng/tháng (gần 30%) so với mức 270.000 đồng/tháng theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

Mức chuẩn (kinh phí) TGXH luôn được xếp vị trí quan trọng hàng đầu, được xem là “then chốt” trong nhóm chính sách về bảo trợ xã hội. Vì mức chuẩn này dùng để làm “căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức trợ cấp nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng và các mức TGXH khác”[3] cho những đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định.

Chúng ta đều biết, trên thực tiễn, mức chuẩn trợ cấp xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP được xem là khá thấp. Đánh giá khái quát là độ bao phủ của chính sách trợ cấp tiền mặt hiện nay (căn cứ theo Nghị định nói trên và có liên quan) chỉ hỗ trợ một phần nhu cầu tối thiểu mà chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của đối tượng cần trợ giúp và thấp so với nhiều nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đương. Đặc biệt, mức trợ cấp là quá thấp đối với nhóm đối tượng là người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi không người chăm sóc, người khuyết tật nặng không tự đảm bảo được cuộc sống.[4] Bên cạnh đó, mức chuẩn kinh phí TGXH nói trên duy trì trong khoảng thời gian khá lâu, chậm được thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những đối tượng khó khăn và yếu thế trong xã hội, đặc biệt là nhóm người khuyết tật (nặng, đặc biệt nặng).

Việc tăng mức chuẩn kinh phí TGXH giúp tăng mức trợ cấp bằng tiền mặt hàng tháng đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trong Nghị định 20/2021/NĐ-CP, góp phần thiết thực hỗ trợ và hạn chế phần nào những khó khăn, rủi ro trong đời sống của họ. Đặc biệt, ở những gia đình có người khuyết tật (nặng, đặc biệt nặng), chi phí để phục vụ các nhu cầu (chăm sóc y tế; thiết bị trợ giúp; phương tiện di chuyển; xây dựng cải tạo lối đi, nhà ở phù hợp điều kiện tiếp cận;…) luôn cao hơn gia đình không có người khuyết tật. Mức chuẩn kinh phí TGXH được tăng lên như hiện tại là bước tiến tháo gỡ một trong những “điểm nghẽn” lâu nay trong chính sách, mang lại cả giá trị vật chất và tinh thầnđối với họ. Đồng thời, quy định này cũng đã bước đầu khắc phục được một trong những tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ trong Chỉ thị 39/CT-TWcủa Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác người khuyết tật [5] trong chính sách đối với người khuyết tật hiện nay.

* Thứ hai: Đổi mới trong cách tính hệ số trợ cấp xã hội hàng tháng và kinh phí hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng sống tại hộ gia đình

i) Đổi mới cách tính hệ số trợ cấp xã hội đối với trường hợp người đơn thân thuộc hộ nghèo đang nuôi con (khoản 4, Điều 5, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP): Từ ngày 01/07/2021, người đơn thân nghèo đang nuôi con được hưởng hệ số 1,0 đối với mỗi một con đang nuôi[6]. Đây là điểm mới so với quy định của NĐ 136/2013/NĐ-CP (tại điểm h, khoản 1, Điều 6). Theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP thì người đơn thân thuộc hộ nghèo, trong diện được trợ cấp[7] được hưởng hệ số 2,0 khi đang nuôi từ hai con trở lên. Tức là, dù người đơn thân nghèo đang nuôi ba, bốn con[8] thì  mỗi tháng cũng chỉ nhận được mức trợ cấp xã hội (TCXH) tối đa theo hệ số 02. Đây được xem là cách tính khá cứng nhắc, thiệt thòi về quyền lợi cho những gia đình có cha/mẹ là người đơn thân thuộc hộ nghèo, nhất là những gia đình đơn thân là người khuyết tật, đặc biệt phụ nữ đơn thân nghèo là người khuyết tật có đông con.[9] Tuy nhiên, tính theo quy định mới của NĐ 20/2021/NĐ-CP thì hệ số được hưởng TCXH hàng tháng của người đó (hệ số 01) tương ứng mỗi con đang nuôi. Đây là điểm mới khá tích cực của chính sách hỗ trợ người đơn thân nghèo tại Nghị định mới, đặc biệt góp phần hỗ trợ đối với những trường hợp người đơn thân nghèo là người khuyết tật.

ii) Đổi mới cách tính hệ số hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng (ĐBN) đối với hộ gia đình theo hướng hợp lý hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ gia đình/cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật ĐBN

Quy định mới của Nghị định 20/2021/NĐ-CP về hệ số hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật ĐBN được tính trên mỗi một người khuyết tật ĐBN (hệ số 01)[10], thay vì quy định áp dụng chung một hệ số duy nhất (hệ số 01) như quy định tại NĐ 28/2012/NĐ-CP (khoản 3, Điều 17). Điều này đã khắc phục điểm bất hợp lý, theo lối “cào bằng” của Nghị định 28/2012/NĐ-CP, đảm bảo quyền lợi đối với những gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng người thân là hai người khuyết tật ĐBN trở lên, vốn là những trường hợp không hiếm trên thực tế. Tương tự, quy định cách tính hệ số hỗ trợ kinh phí chăm sóc (hệ số 1,5) đối với mỗi người khuyết tật ĐBN dành cho hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng [11] cũng khắc phục được những bất hợp lý của quy định “khung trần” hệ số 03 đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ hai người khuyết tật ĐBN trở lên như quy định tại NĐ 28/2012/NĐ-CP (điểm b, khoản 4, Điều 17).

Những đổi mới trên được xem là giải pháp tích cực, phù hợp với tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật theo Chỉ thị 39/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Đồng thời, đây cũng được xem là kết quả nghiên cứu và tiếp thu những ý kiến góp ý hợp lý của một số tổ chức nghiên cứu và nhiều hội người khuyết tật trên cả nước[12] 

Bên cạnh đó, Nghị định 20/2021/NĐ-CP có sự phân định rõ về hệ số chăm sóc đối với người khuyết tật ĐBN là trẻ em. Theo đó: đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi một trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng, theo hệ số 2,5[13] tức là cao hơn hệ số chăm sóc đối với mỗi người khuyết tật  ĐBN không phải trẻ em gần hai lần. Điều này thể hiện rõ tính hợp lý, đáp ứng nhu cầu chăm sóc trẻ em khuyết tật (ĐBN) trên thực tế cũng như thể hiện sự phù hợp của nội dung chính sách tại Nghị định này với hệ thống chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo quy định của Luật trẻ em hiện hành (2016), mà theo đó trẻ em khuyết tật được xếp vào đối tượng đặc biệt cần chăm sóc, bảo vệ.

* Thứ ba: Đổi mới về thời điểm được hưởng/điều chỉnh TCXH hàng tháng theo hướng hợp lý hơn, tăng cường việc đảm bảo lợi ích hợp pháp cho đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt là đối với người khuyết tật

Việc tính thời gian hưởng/điều chỉnh trợ cấp xã hội hàng tháng, nếu nhìn qua tưởng chừng chỉ là một thủ tục hành chính đơn giản, nhưng nếu quy định thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định: Trừ trường hợp người đủ 80 tuổi thuộc diện TCXH hàng tháng, thời gian hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của những đối tượng khác (trong đó bao gồm người khuyết tật) cũng như thời gian điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được tính kể từ tháng ngay sau tháng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký quyết định (điểm đ, K2, Điều 17). Quy định này thường dẫn đến những bất lợi cho đối tượng thụ hưởng chính sách, đặc biệt là người khuyết tật (nặng, đặc biệt nặng) trên thực tế. Mặc dù pháp luật quy định thủ tục xem xét ra quyết định về việc thực hiện/điều chỉnh trợ cấp xã hội là không dài, nhưng trên thực tế, quãng thời gian Chủ tịch UBND cấp xã trình lên UBND cấp huyện (qua Phòng LĐTBXH) để trình Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thường lâu hơn đáng kể so với quy định nói trên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Riêng đối với điều chỉnh mức trợ cấp xã hội hàng tháng, trên thực tiễn có những trường hợp do người khuyết tật không nắm rõ quy định pháp luật hoặc do cán bộ phụ trách LĐTBXH xã không rà soát thường xuyên danh sách những người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là người cao tuổi trên địa bàn xã[14], nên không hiếm những trường hợp người khuyết tật đã qua tuổi 60 được vài năm mới được điều chỉnh trợ cấp xã hội hàng tháng đúng theo chế độ dành cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là người cao tuổi theo quy định pháp luật.[15] 

Nghị định 20/2021/NĐ-CP đã thay đổi cơ bản quy định về mốc thời gian được hưởng/điều chỉnh TCXH hàng tháng của đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi hợp pháp cho những đối tượng này. Riêng đối với người khuyết tật (nặng, đặc biệt nặng), nội dung Nghị định ghi rõ: Thời gian được hưởng TCXH hàng tháng đối với người khuyết tật (nặng, ĐNN) được tính từ tháng người đó được nhận Giấy xác định mức độ khuyết tật; thời gian điều chỉnh mức trợ cấp xã hội hàng tháng kể từ tháng đối tượng đủ điều kiện điều chỉnh (khoản 1, Điều 8, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP). Như vậy, nếu trên thực tế thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để ra quyết định thực hiện/điều chỉnh... TCXH có bị kéo dài hơn so với quy định của pháp luật từ phía cơ quan có thẩm quyền (vì bất kỳ lý do nào), thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng thụ hưởng chính sách, nếu vận dụng đúng quy định nêu trên của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

2. Những điểm mới chủ yếu trong chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP:

i) Thứ nhất: Tăng cường, đa dạng hóa hình thức hỗ trợ khẩn cấp

Bên cạnh hình thức hỗ trợ lương thực, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định bổ sung hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu đối với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu: Theo đó, các đối tượng này được được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia: lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ (khoản 2 Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP).

ii) Thứ hai: Tăng mức hỗ trợ đối với hỗ trợ kinh phí làm nhà, sửa chữa nhà, hỗ trợ chi phí mai táng do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, vv

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (Điều 15) quy định các mức hỗ trợ kinh phí làm nhà, di dời, sửa chữa nhà vì lý do thiên tai, hỏa hoạn và các trường hợp bất khả kháng khác đều tăng so với mức hỗ trợ của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Cụ thể: Mức hỗ trợ kinh phí làm nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở (40 triệu đồng/hộ) được tăng gấp đôi.[16] Mức kinh phí tối thiểu hỗ trợ hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác (30 triệu) cũng tăng gấp rưỡi.[17] Mức hỗ trợ sữa chữa nhà đối với hộ nghèo hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vì lý do thiên tai, hỏa hoạn... là 20 triệu, cũng tăng 25%.[18] 

Những điểm mới trên đây thể hiện động thái “phản ứng chính sách” khá kịp thời và cần thiết trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, trên cơ sở phù hợp với chính sách của Luật Phòng chống thiên tai và đê điều, đúc kết từ kinh nghiệm triển khai Nghị quyết số 165/NQ-CP năm 2020 tại khu vực miền Trung[19], phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm khắc phục hậu quả ảnh hưởng thiên tai và tình trạng khẩn cấp ngày càng khó lường trong thời gian gần đây. Chính sách nói trên đặc biệt có ý nghĩa trong hỗ trợ người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật, vì họ chính là một trong những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong những tình huống khẩn cấp như thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn...

Ngoài ra, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ chi phí mai táng đối với hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; tai nạn giao thông... hoặc các lý do bất khả kháng khác tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn TGXH (khoản 1 Điều 14 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Tức là cao gấp 2,5 lần so với quy định tại 136/2013/NĐ-CP[20]. Đây cũng là một điểm mới đáng ghi nhận trong chính sách TGXH của Nghị định này.

3. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục TGXH đối với các đối tượng bảo trợ xã hội

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cũng đã đơn giản hóa các thủ tục thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng TCXH hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng so với Nghị định số 140/2018/NĐ-CP bằng việc bỏ mô hình “Hội đồng xét duyệt TGXH”, Việc đơn giản hóa quy trình thủ tục xét duyệt hồ sơ TGXH nhằm tăng cường trách nhiệm của cá nhân công chức có thẩm quyền, tiết kiệm thời gian giải quyết, xử lý công việc của UBND cấp xã. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết các thủ tục TGXH cũng rút ngắn đáng kể: Nếu thời gian do Hội đồng xét duyệt TGXH xét duyệt hồ sơ là 10 ngày làm việc, cộng với thời gian niêm yết công khai, thời gian Chủ tịch UBND cấp xã gửi văn bản đề nghị lên Phòng LĐTBXH, tổng cộng là 18 ngày làm việc[21] thì cùng thủ tục này, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định tổng cộng thời gian giải quyết chỉ còn 12 ngày (nếu có khiếu nại thì cộng thêm 10 ngày giải quyết)[22], giảm được 06 ngày làm việc.[23] Những cải cách thủ tục hành chính như vậy thực sự là điểm tích cực trong quy định mới, có ý nghĩa quan trọng với đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt với đối tượng là người khuyết tật.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH XÃ THUẬN LỘC
    Bản đồ xã Thuận Lộc
     Liên kết website
    Thống kê: 246.002
    Online: 6